Sẹo lồi: Thường do cơ địa sẹo lồi hoặc do ảnh hưởng di truyền. Sau khi phẫu thuật, tỷ lệ tái phát cao. Một số người khác không thuộc tạng sẹo lồi nhưng khi vết thương hoặc vết mổ không được phẫu thuật tốt, bị sang chấn nhiều hay nhiễm trùng thì cũng bị sẹo lồi. Theo vị trí, bác sĩ sẽ quyết định sử dụng phương pháp điều trị nào. Có thể cắt bỏ chỗ lồi, cà da, chiếu tia hoặc tiêm thuốc chống sẹo nếu sẹo bắt đầu lồi lên trở lại.
Sẹo quá phát: Vết sẹo ngày càng giãn ra, to dần và đầy lên; thường xuất hiện ở một số nơi đặc biệt của cơ thể như vùng vai, trước ngực, trên rốn hay sau này. Cách khắc phục cũng giống như sẹo lồi.
Sẹo lõm: Dùng mỡ tự thân cấy ghép bên dưới; hoặc tiêm chất cấy độn nhân tạo trực tiếp vào da (có thể sử dụng các chất như Acid Hyaluronic, Collagen để làm đầy vết sẹo lõm). Tia laser cũng đang được ứng dụng để làm đầy dẫn các sẹo lõm và làm thấp dần các sẹo lồi.
Sẹo trắng: Mô da bị mất màu khiến vết sẹo có màu trắng. Muốn cho da vùng này trở lại màu như trước thì phải cắt bỏ hết sẹo đi và ghép da mới vào. Hiện nay y học chưa có cách gì làm mất sẹo ngoài cách ghép da hoặc chuyển vạt da từ nơi khác đến.
Sẹo thâm: Bất kỳ sẹo nào cũng có thể bị thâm do phản ứng của tế bào sắc tố dưới ánh sáng mặt trời. Loại sẹo này sẽ mờ dần theo thời gian. Cần tránh ánh sáng mặt trời và dùng kem chống nắng khi đi ra ngoài. Bạn có thể dùng thuốc chống tạo sắc tố như: Leucodinine B hoặc Hydroquinol.
Sẹo bỏng axit: Sẹo thường co kéo làm biến dạng các tổ chức lân cận. Tùy từng trường hợp, có thể phẫu thuật một hoặc nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng vài tháng (để các mạch máu nuôi dưỡng tổ chức thay thế mô sẹo được phát triển tốt, bảo đảm mảnh mô ghép hoặc chuyển đến không bị hoại tử về sau).
Phẫu thuật thẩm mỹ là con dao hai lưỡi. Nếu bạn may mắn được bác sĩ giỏi điều trị đúng phương pháp thì nhan sắc sẽ cải thiện rất nhiều; ngược lại sẽ tiền mất tật mang, ân hận suốt đời. Phẫu thuật chỉnh hình các vết sẹo xấu xí cũng không thoát khỏi quy luật này. Khi phẫu thuật một vết sẹo, bác sĩ sẽ phải mổ nó ra, do đó vết cắt sẽ rộng hơn, vết may cũng rộng hơn sẹo cũ. Một bác sĩ có kinh nghiệm sẽ quyết định nên sử dụng biện pháp gì tùy trường hợp, tùy cơ địa của mỗi người để khéo léo che giấu và làm nhỏ, làm mờ nó đi.
Bác sĩ không phải chuyên ngành, không uyển chuyển linh hoạt, cứ đúng bài bản thực hành phẫu thuật thì vết sẹo đó sau có thể to hơn, lồi hơn gấp đôi và cứ mỗi lần phẫu thuật bởi một bác sĩ như thế, vết sẹo của bạn sẽ chẳng dấu được đi đâu mà cứ ngày một to lớn, quá phát... Tuy vậy, cũng có thể an ủi những "nạn nhân của sẹo" là nếu vết sẹo của bạn là sẹo mới và không thể phẫu thuật được, bác sĩ sẽ chích cho bạn loại thuốc làm teo nhỏ sẹo như Triam cinolone... để sẹo sẽ nhỏ lại trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp nào là tùy thuộc vào bác sĩ, bạn nhé.
Phòng ngừa sẹo
Những tổn thương nhẹ: Với mụn trứng cá, cá vết đứt tay..., miệng vết thương lành nhanh, phần da phải táo tạo không nhiều. Nên vệ sinh tại chỗ sạch sẽ bằng nước muối natri clorid. Với những vết đứt tay, nên đặt phần da đứt vào đúng vị trí của nó, băng cố định cầm máu và dịch vàng. Sau khi vết thương khô, có thể dùng nghệ tươi bôi trực tiếp lên để thúc đẩy ngay quá trình tái tạo da.
Những vết thương hở, mất da: Rất cần giữ cho thông thoáng và vệ sinh ngay từ khi bị thương. Có thể dùng nước đun sôi để nguội rửa sạch vết thương ban đầu, sau đó dội lại bằng nước muối hoặc cồn i-ốt loãng. Dùng gạc thấm khô vết thương rồi đến gặp bác sĩ xử lý. Thông thường, bạn sẽ được chỉ định dùng kháng sinh đường uống và bôi tại chỗ để chống nhiễm trùng. Ngoài ra, khi vết thương bắt đầu se mặt, bạn có thể ép nước cốt nghệ tươi bôi trực tiếp lên khắp bề mặt vết thương. Khi vết thương đóng vảy, đặc biệt là lúc lên da non gây ngứa, không nên bóc vảy vết thương ra vì có thể gây nhiễm trùng và khiến sẹo lớn, lâu lành hơn.
Sau phẫu thuật cấp chứng: Khi việc cứu mạng sống của bạn được đưa lên hàng đầu, miệng các vết mổ thường không được mỹ thuật, các vết sẹo thường lớn. Khi vết thương khô miệng hoặc cắt chỉ là lúc bạn có thể nghĩ đến việc hỗ trợ giảm sẹo đến mức thấp nhất bằng cách ăn nghệ và bôi trực tiếp lên vết thương. Không nên ăn rau muống (gây sẹo lồi), hải sản (gây ngứa). Luôn giữ vết thương thông thoáng, khô ráo.
Bỏng: Dù là bỏng gì thì việc dùng nước đá ngâm trong phút đầu tiên đều có tác dụng co mạch giảm đau và giải tỏa nhiệt tức thì. Sau đó, dùng nước đun sôi để nguội ngâm vết thương trên đường đưa đến bệnh viện xử lý. Dùng lòng trắng trứng phủ lên vết bỏng ngay lập tức cũng là cách xử lý ban đầu hiệu quả. Vết thương do bỏng nên giữ vệ sinh và thật thông thoáng. Bài thuốc nước cốt nghệ tươi bột lên vết thương có thể làm ngay từ những ngày đầu tiên sẽ kích thích quá trình tái tạo da nhanh chóng.
Cơ địa sẹo lồi: Một lượng lớn mô liên kết tăng sinh và bị thoái hóa hialin, tạo thành các vết sẹo tăng trưởng quá mức, vượt quá phạm vi tổn hại vốn có. Với những người này, mọi kích thích dù nhẹ nhất từ bên ngoài vào vết thương lúc đang mọc da non đều có thể là nguyên nhân gây viêm dẫn đến sẹo lớn thêm như gãi ngứa, cọ xát... Ngay cả khi vết thương đã hoàn toàn lành, nhưng vết sẹo lớn khiến thân chủ mong muốn thay đổi thì cũng phải cân nhắc kỹ, vì đã bị sẹo lồi thì việc chỉnh sửa sẹo có thể tạo ra những cái sẹo lớn hơn ban đầu. Có thể dùng các loại thuốc xóa sẹo và kem làm sáng da để "bào mỏng" vết sẹo và biến màu đỏ tươi, tím đỏ hoặc hồng đậm của vết sẹo nhạt màu đi.
Ăn uống thế nào?
Những thức ăn nên tránh: Cơm nếp, thịt gà, đồ cay nóng sẽ khiến vết thương mưng mủ, lâu lành. Trứng có thể làm vết thương loang lổ như lang ben. Rau muống tăng sinh tế bào gây lồi. Hải sản dễ kích ứng gây ngứa ngáy, khó chịu...
Những thức ăn nên dùng nhiều: Lời khuyên đầu tiên mà các bác sĩ dành cho những ai đang cần tái tạo da là hãy ăn thật nhiều thịt. Đó chính là nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp cơ thể tự lấy lại sự cân bằng cho mình. Các loại rau củ đều có công dụng tốt với các vết thương đang lên da non, nghệ là món ăn được khuyến khích cho người đang cần tái tạo các tế bào, diếp cá cung cấp kháng sinh tự nhiên chống viêm và kháng khuẩn rất tốt...